Thống đốc NHNN chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội theo Đề án sáp nhập trình NHNN kèm theo Công văn số 110/HĐQT ngày 12/6/2012 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị của SHB, cho biết, trong đề án sáp nhập với SHB mà Habubank đã trình ra Đại hội cổ đông, có một chi tiết sẽ điều chỉnh khi trình ra đại hội của SHB. Cụ thể, trong đề án của Habubank là sau sáp nhập 3 năm sẽ xử lý xong khoản lỗ 1.829 tỷ đồng của Habubank, nhưng dự kiến tại đại hội của SHB số lỗ này sẽ xử lý ngay trong năm 2012. Dự kiến, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có lãi vào năm 2013.
Cũng theo ông Hiển, sau sáp nhập, vẫn không "trộn" 2 ngân hàng về nhân sự, cơ cấu... mà tổ chức, cơ chế hoạt động của Habubank vẫn được giữ nhưng theo định hướng của SHB. SHB chủ yếu hỗ trợ thêm nguồn vốn, lãi suất cho Habubank vì nguồn tiền của SHB hiện dồi dào để thực hiện điều này. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết thêm, các cổ đông Habubank sẽ không được hưởng cổ tức trong năm 2012, vì họ đã được hưởng cổ tức khi hoán đổi cổ phiếu Habubank thành SHB là 0,21%.
Việc hoán đổi cổ phiếu Habubank thành SHB sau đại hội cổ đông sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. "Riêng hoán đổi tỷ lệ bao nhiêu do 2 bên thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp," ông Hiển nói. Sau khi thực hiện hoán đổi xong, cơ quan chức năng sẽ hủy niêm yết của cổ phiếu HBB. Còn giá cố phiểu của ngân hàng sau sáp nhập sẽ do thị trường quyết định.
Theo bản đề án này, chính việc tập trung cho vay nhóm khách hàng thuộc Vinashin (chiếm tới 83% vốn điều lệ của ngân hàng) đã khiến Habubank bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng chi phí hàng năm của Habubank phải trả để duy trì dư nợ này đã khiến ngân hàng phát sinh chi phí khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Ngoài hoạt động tín dụng, Habubank còn có một số khoản ủy thác đầu tư, đầu tư góp vốn, liên doanh, liên kết và đầu tư vào trái phiếu có khả năng sinh lời kém. Đáng nói hơn, hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) của Habubank thời gian qua cũng gặp phải những rủi ro tín dụng, trong đó có 270 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty tài chính Caosu và hơn 200 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Đệ Nhất, Tài chính Sông Đà và Tài chính Handico... Các khoản tiền gửi này hiện đều đang chưa thu hồi được do đối tác khó khăn về thanh khoản.
Đối với các khoản nợ "khủng" của Habubank sau khi sáp nhập, bản tóm tắt đề án đưa ra hướng giải quyết, ngay sau khi sáp nhập, ngân hàng sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ gốc và nợ lãi của các hợp đồng tại các tổ chức tín dụng đang được đánh giá là có khả năng thu hồi thấp.
Dựa vào các thông tin thu thập được và thiện chí trả nợ của các tổ chức tín dụng, khả năng thu hồi các khoản nợ này là 100% (khoảng 236 tỷ đồng). Đối với các khoản nợ xấu của Vinashin, Ngân hàng sẽ chủ động cơ cấu lại các khoản nợ này trong vòng 6-12 tháng, đồng thời trích lập thêm dự phòng rủi ro 5 năm tiếp theo sau khi sáp nhập.
Trên cơ sở các phân tích khá chi tiết, đề án nhận định rằng kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 1.850 tỷ đồng ngay trong năm 2012 là hoàn toàn khả thi, theo đó sẽ bù đắp hết lỗ phát sinh trước sáp nhập. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế dự tính là 2.115 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2012. Năm 2014, dự kiến ngân hàng sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của SHB sẽ tăng từ 15-20% so với năm 2013.